Việt Nam xứng đáng để Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường

Đến nay, 72 nước đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, bao gồm các nền kinh tế lớn như Canada, Australia, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc. Còn 2 nền kinh tế lớn là Mỹ và EU vẫn chưa công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường, gây ra nhiều tổn thất, bất cập cho Việt Nam trong phát triển kinh tế, đặc biệt trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam tháng 9/2023 đã mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ với việc lãnh đạo hai nước tuyên bố thiết lập “Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững” và nhiều thoả thuận hợp tác có tính đột phá, xứng tầm với việc nâng cấp quan hệ đã được công bố. Tuy nhiên, việc Mỹ chưa công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam gây nhiều tổn hại đối với lợi ích kinh tế của cả hai nước và mối quan hệ hợp tác song phương đang ngày càng được lãnh đạo hai nước vun đắp, phát triển.

Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam với tổng kim ngạch năm 2022 gần 109,4 USD (chiếm tỷ trọng 29,5% - theo số liệu của Tổng cục Hải Quan).

Thực tế, từ năm 2008, sau khi chính thức gia nhập WTO, Việt Nam và Mỹ đã thành lập Nhóm công tác song phương về kinh tế thị trường. Đến nay, thông tin từ Bộ Công Thương - đơn vị đầu mối phía Việt Nam - cho biết hai bên đã tổ chức nhiều phiên họp, cập nhật cho Mỹ tình hình kinh tế thị trường của Việt Nam. Nội dung trên cũng được các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam trao đổi trong những chuyến làm việc tại Mỹ.

Việc đề nghị Mỹ sớm công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập khi gặp Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo hôm 19/9/2023 tại Washington. Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden về nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện trước đó, cũng đề cập đến vấn đề này.

Theo nhà nghiên cứu James Borton tại Viện Chính sách Đối ngoại Johns Hopkins (Mỹ) cho rằng mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện không chỉ giúp tăng cường quan hệ ngoại giao Mỹ - Việt Nam mà còn là cơ hội để Washington công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, qua đó giúp hai nước hưởng nhiều lợi ích kinh tế hơn.

Tác giả Borton nhận định, trong bối cảnh Chính phủ Mỹ nỗ lực thúc đẩy Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF), việc được công nhận quy chế thị trường sẽ giúp Việt Nam gia tăng thương mại và đầu tư với Mỹ. Đổi lại, lợi ích mà các công ty Mỹ có được là các cơ hội tiếp cận thị trường và xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, máy móc, máy bay và dược phẩm. Tất cả đều góp phần thúc đẩy chuỗi cung ứng phù hợp với lợi ích của Mỹ.

Việc công nhận quy chế thị trường của Việt Nam cũng sẽ góp phần giảm bớt các rào cản thương mại, giúp các doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sang Việt Nam dễ dàng hơn và chi phí thấp hơn, khuyến khích các công ty Mỹ đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Ngoài ra, giá nhập khẩu thấp hơn và khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn có thể cho phép các công ty Mỹ tăng sản lượng và sản xuất tại Việt Nam. Điều này mang lại tiềm năng tăng doanh thu bán hàng và lợi nhuận cho các công ty Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam.

Viễn thông, công nghệ thông tin, sản xuất điện, xây dựng hạ tầng giao thông, quản lý dự án môi trường và công nghệ sẽ tiếp tục mang đến những cơ hội đầy hứa hẹn cho các công ty Mỹ.

Bên cạnh đó, nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho các nhà đầu tư quốc tế. Tác giả dẫn báo cáo kinh doanh năm 2020 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy cơ quan này đã xếp Việt Nam ở vị trí thứ 70 trên 190 nền kinh tế đáng khen, phản ánh cam kết của Việt Nam trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh.

Tạp chí US News and World Report xếp Việt Nam đứng thứ 7 trong số 78 quốc gia nên khởi nghiệp kinh doanh vào năm 2021, tăng 5 bậc so với năm 2020. 

Do đó, Mỹ nên sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, góp phần giảm bớt các rào cản thương mại, tạo quan hệ hợp tác thực chất, sâu sắc trên các lĩnh vực tương xứng với tầm cao của khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mới giữa hai nước, góp phần giúp Việt Nam phát triển nhanh, thu hẹp khoảng cách với các nước.






Post a Comment

0 Comments