Kinh tế Việt Nam năm 2021 và cơ hội phục hồi nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022

 

    Kinh tế Việt Nam năm 2021 vượt qua khó khăn, tạo đà phục hồi kinh tế năm 2022

    Năm 2021, sự bùng phát trở lại và kéo dài của đại dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến mọi mặt kinh tế-xã hội của Việt Nam, nhiều địa phương trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, sản xuất bị đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, các chỉ số chính của nền kinh tế đều sụt giảm, sức mua của người dân giảm mạnh, đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

    Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, thách thức, nền kinh tế vẫn có những gam màu sáng với nhiều tín hiệu lạc quan. Năm 2021, Việt Nam vẫn nỗ lực duy trì mức tăng trưởng GDP dương, thậm chí xuất khẩu đạt kỷ lục mới, vào Top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

    Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 63,80%; khu vực dịch vụ đóng góp 22,23%. Về cơ cấu nền kinh tế năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,36%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,86%; khu vực dịch vụ chiếm 40,95%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,83%.

    Điểm sáng của kinh tế đầu tiên phải kể đến xuất nhập khẩu, khi lần đầu tiên chúng ta cán mốc trên 670 tỷ USD, trong đó tăng trưởng xuất khẩu đạt khoảng 18%, tăng trưởng nhập khẩu khoảng hơn 27%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng hơn 20%, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới.

    Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng vốn đầu tư trong nước tăng, kinh tế tư nhân tăng, trong đó đầu tư nhà nước cũng tăng mạnh. Đặc biệt vốn đầu tư nước ngoài rất lớn, khoảng hơn 25 tỷ USD, xấp xỉ con số năm ngoái. Điều này sẽ tạo cơ hội phục hồi nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022.

    Dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 có thể đạt đến 7,5%

    Trong năm 2022, với đà các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tích cực đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam; các doanh nghiệp trong nước tiếp tục thành lập mới và khối doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng lên. Cùng với sự tháo gỡ khó khăn, những chính sách về hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Chính phủ thì nền kinh tế của chúng ta sẽ tăng trưởng và phát triển một cách tốt nhất.



    Sự bùng nổ của việc tái mở cửa nền kinh tế nội địa sẽ là động lực lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Chiếm khoảng 1/3 nền kinh tế Việt Nam, tiêu dùng nội địa đã bị suy giảm nghiêm trọng vào năm ngoái. Gói kích cầu bao gồm cắt giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%, hứa hẹn thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Năm 2022, các chuyên gia kinh tế kỳ vọng tiêu dùng hộ gia đình của Việt Nam sẽ phục hồi, tiêu dùng trong nước sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi của du lịch quốc tế, chiếm khoảng 8% GDP trước đại dịch. Các cuộc khảo sát gần đây ở Mỹ và một số quốc gia khác chỉ ra rằng, nhu cầu du lịch đến Việt Nam đang tăng mạnh. Do vậy, nhiều tổ chức đã kỳ vọng, sự phục hồi một phần của du lịch quốc tế sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP Việt Nam ít nhất 3% trong năm nay và tăng cao hơn nữa vào năm 2023 khi khách du lịch Trung Quốc dự kiến quay trở lại thị trường Việt Nam.

Nhìn chung, Chính phủ đã đề ra mục tiêu tổng quát “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân”, cùng với “tận dụng tốt các cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp tổng thể”. Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế… thì cơ hội phục hồi nền kinh tế Việt Nam năm 2022 là khả quan.

    Việt Nam được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất khu vực với mức 7,5% trong năm 2022 (sau khi chỉ đạt 2,6% trong năm 2021), nhưng không quá ngạc nhiên nếu nền kinh tế sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của tiêu dùng nội địa, hoạt động xây dựng, du lịch quốc tế, cũng như nhờ gói kích cầu tài chính của Chính phủ trị giá 15 tỷ USD. Với mức tăng trưởng dự báo, Việt Nam sẽ vượt qua Malaysia (6,7%) và Campuchia (6,6%) để đứng đầu khu vực nhờ động lực chính đến từ tốc độ bao phủ vắc xin nhanh, chính sách linh hoạt hơn giữa hai mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân và hồi phục nền kinh tế cùng hoạt động xuất khẩu ổn định.

    Mặc dù diễn biến dịch COVID-19 vẫn là một ẩn số với sự xuất hiện của biến chủng Omicron, tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn khá lạc quan khi cho rằng năm 2022 sẽ là bức tranh với gam màu tươi sáng đối với nền kinh tế Việt Nam. Bởi Việt Nam đã thay đổi chiến lược trong phòng, chống COVID-19, khi Nghị quyết 128/NQ-CP sẽ đi vào cuộc sống xã hội một cách nhuần nhuyễn và sát thực tế hơn, tiếp tục cởi trói tinh thần cho DN. Đó là giải pháp linh hoạt, thích ứng, an toàn với dịch bệnh hỗ trợ cộng đồng DN sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Post a Comment

0 Comments