Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam với sức hút đầu tư hàng đầu khu vực ASEAN

 


Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang có những bước phát triển đột phá. Mặc dù dịch COVID-19 kéo dài, tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống, môi trường sản xuất, kinh doanh, nhưng tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo không hề suy giảm, trái lại đã có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển và phục hồi kinh tế. Năm 2013, tổng giá trị đầu tư vào các startup mới chỉ đạt 8 triệu USD. Đến cuối năm 2021, con số này đã tăng mạnh lên hơn 1,3 tỷ USD. Trong hệ sinh thái khởi nghiệp, sự tham gia của các chủ thể ngày càng tích cực và đã có sự tăng trưởng tốt về số lượng. Hiện có khoảng hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 202 khu làm việc chung; 217 quỹ đầu tư/nhà đầu tư; 79 cơ sở ươm tạo; 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh;...

Việt Nam đã xây dựng và triển khai hàng loạt các giải pháp tạo thuận lợi, thu hút đầu tư, thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp. Chính phủ ban hành các Nghị định 38/2018/NĐ-CP và Nghị định 31/2021/NĐ-CP, đơn giản hóa các quy trình đầu tư khởi nghiệp. Những quy trình này được áp dụng cho cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, giúp các công ty khởi nghiệp thu hút vốn đa dạng hơn. Các Bộ đã và đang tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trong nước. Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia, thực hiện Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025, với mục tiêu sẽ đưa 2.000 công ty khởi nghiệp vào môi trường thúc đẩy phát triển. Đến nay đã có 53 địa phương ban hành kế hoạch triển khai Đề án, tuyển chọn được 58 đơn vị chủ trì và 44 đơn vị phối hợp có năng lực, kinh nghiệm triển khai 82 nhiệm vụ của Đề án trên khắp cả nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nhiều hoạt động kết nối mạng lưới tri thức trên toàn cầu, kết nối các nguồn lực trong nước, quốc tế, đẩy mạnh sáng tạo quốc gia đưa Việt Nam thành điểm đầu tư hấp dẫn.  Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (VNIC) với tổng số tiền đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng. Nơi đây quy tụ các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước, cung cấp hệ thống cơ sở hạ tầng tối ưu cho việc nghiên cứu và phát triển các ý tưởng công nghệ và khởi nghiệp. Trung tâm cũng hỗ trợ kết nối và xúc tiến đầu tư, đẩy nhanh quá trình thương mại hóa các sản phẩm công nghệ. Các thành viên của VNIC sẽ được hưởng ưu đãi thuế suất 10% cho 30 năm đầu tiên hoạt động và được miễn toàn bộ tiền thuê đất trong thời hạn 50 năm trong các khu công nghệ cao. Nhiều quỹ và dự án quốc gia được thành lập để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp như Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED), Quỹ Đổi mới Quốc gia (NATIF) hay Dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ (FIRST). Cổng thông tin khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã vận hành hiệu quả với gần 2 triệu lượt truy cập và 1.500 thông tin dữ liệu về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Có 13 tỉnh, thành phố xây dựng và vận hành cổng thông tin khởi nghiệp sáng tạo của địa phương.

Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao và dự báo năm 2022 sẽ nổi lên là hệ sinh thái lớn thứ 3 khu vực ASEAN. Theo đánh giá của Startup Blink, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam được đánh giá ở vị trí 59 trên thế giới. Tính riêng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đang nằm trong top 20-25 hệ sinh thái hàng đầu. Quỹ Golden Gate Ventures (Singapore) nhận định "Việt Nam sẽ nổi lên là một hệ sinh thái khởi nghiệp lớn của Đông Nam Á trong năm 2022. Dự báo sẽ có thêm nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trong khu vực đầu tư rót vốn đầu tư giai đoạn đầu vào các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam trong thời gian tới.

 

Post a Comment

0 Comments