Việt Nam đi cùng thế giới về công nghệ mạng 5G

 


Hiện cả ba nhà mạng lớn tại Việt Nam gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone đều đã triển khai mạng 5G tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác. Với tốc độ cao hơn 10 lần so với 4G hiện tại, 5G được kỳ vọng sẽ giải quyết các bài toán khó hơn về mạng dữ liệu, mang tới những trải nghiệm tốc độ nhanh hơn.

Mạng 5G là động lực phát triển kinh tế số

Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII chỉ rõ: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”.

Trong tham luận tại Đại hội XIII của Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tầm nhìn 10 năm sẽ thay đổi toàn diện đất nước, đặt ra các mục tiêu: Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, Kinh tế số đóng góp 30% GDP; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 8%; mọi người dân có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ thiết yếu thông minh, không ai bị bỏ lại phía sau. Để đạt được mục tiêu đó, cần có quyết tâm và đột phá với cách làm mới, phù hợp với bối cảnh và thực tiễn; phát huy nội lực là cách làm của Việt Nam. 


Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, hạ tầng số đóng vai trò quyết định trong phát triển kinh tế số, xã hội số. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, hạ tầng viễn thông sẽ chuyển dịch thành hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông và điện toán đám mây. Việt Nam đặt mục tiêu làm chủ công nghệ di động 5G, làm chủ hạ tầng điện đám mây (cloud) thông qua các nền tảng “Make in Viet Nam”. Bên cạnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, việc làm chủ hạ tầng số, làm chủ dữ liệu của người Việt là nhiệm vụ chiến lược, cần được ưu tiên hàng đầu.

Định hướng của ngành Thông tin và Truyền thông trong giai đoạn tới là chuyển đổi từ gia công lắp ráp thành phát triển sản phẩm. Chương trình “Make in Viet Nam”, với trọng tâm là nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G, IoT, điện thoại thông minh, các nền tảng phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Các doanh nghiệp Việt Nam thay vì gia công, lắp ráp thì tập trung làm sản phẩm.

Hiện nay, Việt Nam là một thị trường của gần 100 triệu dân, có khả năng tiếp cận với thị trường ASEAN gần 600 triệu dân, thị trường trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) hơn 2 tỉ dân và nhiều thị trường quan trọng khác. Nếu có lộ trình và hướng đi đúng đắn, công nghệ “Make in Viet Nam” sẽ vươn tầm thế giới và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp lớn vào GDP quốc gia. Chuyển đổi số và “Make in Viet Nam” sẽ là con đường đúng đắn và bền vững nhất để nâng tầm và đưa sản phẩm “Make in Viet Nam” tiếp cận với các thị trường ngoài nước. Việt Nam, làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ, dựa trên công nghệ mở, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế tập trung giải quyết bài toán Việt Nam và từ đó vươn ra thế giới.

Có thể thấy, dựa vào công nghệ để phát triển kinh tế số, một trong những khâu đột phá quan trọng để phát triển nền kinh tế Việt Nam trong tình hình mới, góp phần làm giảm bớt khoảng cách tụt hậu của nền kinh tế Việt Nam so với các nền kinh tế trên thế giới. Đổi mới tư duy lý luận về kinh tế trong giai đoạn hiện nay chính là tập trung phát triển mạnh mẽ nền kinh tế số, đưa nền kinh tế Việt Nam thay đổi về chất và có bước nhảy vọt trong tiến trình phát triển mới.

Việt Nam “không chậm” so với nhịp của thế giới

Tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020 với Chủ đề “Doanh nghiệp công nghệ số - Động lực thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2020, Việt Nam trở thành nước thứ năm trên thế giới làm chủ công nghệ 5G, sản xuất được thiết bị hạ tầng 5G, sản xuất được điện thoại 5G. Rất ít người, kể cả trong nước và nước ngoài, tin rằng Việt Nam chúng ta có thể làm được việc này. Nhưng công nghệ không phải điều gì cao siêu, đây là kết quả của lao động sáng tạo, kích hoạt sự lao động sáng tạo này là một khát vọng lớn. Một khát vọng lớn đến không tưởng và một sự quyết tâm bền bỉ sẽ dẫn chúng ta đến những cách tiếp cận đột phá để biến việc khó thành việc dễ.

Theo ông Lê Đăng Dũng, Quyền chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, về mặt hạ tầng truyền dẫn, công nghệ kết nối IoT trên nền 4G LTE-M và NB-IoT đã được Viettel triển khai và trở thành một trong 50 nhà mạng đầu tiên trên thế giới triển khai các công nghệ này.

Viettel trở thành nhà mạng đầu tiên trên thị trường giúp Việt Nam bắt kịp những nước đi đầu về 5G trên thế giới như Mỹ, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Với các công nghệ 3G và 4G thì Việt Nam triển khai sau thế giới, nhưng với 5G Việt Nam đang trong nhóm những nước đi đầu. Đi sau các nước về công nghệ 3G và 4G, Việt Nam có được những bài học kinh nghiệm của các nhà mạng đã triển khai trước đó. Còn với 5G chúng ta đi đầu nên bắt buộc phải tìm ra hướng đi cho mình.

Trong khi đó, ông Phạm Đức Long, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT nhấn mạnh, 5G được kỳ vọng sẽ mang đến những trải nghiệm vượt bậc cho người dùng di động và là nền tảng quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số. Vì vậy, VNPT chú trọng nghiên cứu, xây dựng giải pháp và thúc đẩy cung cấp dịch vụ 5G với mục tiêu sớm đưa Việt Nam vào bản đồ 5G thế giới. Tại Việt Nam, 5G được kỳ vọng sẽ mang đến những trải nghiệm vượt bậc cho người dùng di động, những thay đổi ấn tượng thực chất của các ngành kinh tế và là nền tảng quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số các cơ quan, doanh nghiệp. 

Cùng quan điểm về triển khai mạng 5G, Tổng giám đốc MobiFone Tô Mạnh Cường cho hay, chúng tôi có lợi thế khi triển khai công nghệ 5G so với các nhà mạng khác là chỉ kinh doanh dịch vụ di động và triển khai ở những vùng có lưu lượng cao, nhu cầu lớn. Nhu cầu và khả năng cung cấp dịch vụ 5G cũng giống như câu chuyện “con gà quả trứng". Tôi cho rằng, khi nhà mạng cung cấp dịch vụ 5G, sẽ phát sinh nhu cầu sử dụng công nghệ này với các ứng dụng như truyền hình độ nét cao hay xe tự lái…

Trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội tháng 11-2020, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, tiến độ triển khai 5G của Việt Nam “không chậm” so với nhịp độ thế giới. Việc triển khai 5G tại Việt Nam sẽ tận dụng được khoảng 70% hạ tầng 4G hiện có, bao gồm các trạm thu phát sóng, ăng-ten và các thiết bị truyền dẫn khác, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí. Việc triển khai 5G sẽ thực hiện trước tiên ở các khu vực đô thị lớn, sau đó là các khu công nghiệp, khu nghiên cứu và trường đại học để hỗ trợ đổi mới và tạo ra công nghệ mới. Bộ TT&TT tin tưởng rằng các thiết bị 5G do các nhà khai thác viễn thông và di động sử dụng sẽ hoàn toàn do Việt Nam sản xuất, công nghệ cao và có giá rẻ hơn so với các thiết bị nhập khẩu.

Hiện nay, Chính phủ cũng đang xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới cho các thiết bị đầu cuối của thông tin di động mặt đất, trong đó yêu cầu tất cả các thiết bị đầu cuối dữ liệu di động (PDT) được sản xuất, mua bán tại Việt Nam sẽ phải hỗ trợ công nghệ 4G và 5G. Điều này cũng có nghĩa là điện thoại chỉ hỗ trợ mạng 2G và 3G có thể sẽ không còn được sản xuất tại Việt Nam hoặc được nhập khẩu khi quy định mới có hiệu lực như một nỗ lực để loại bỏ dần những công nghệ cũ hơn.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Thế Bình, 5G tạo ra rất nhiều cơ hội cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động, dựa trên các yếu tố khả năng triển khai IoT, độ trễ thấp, tính năng nâng cao... tạo ra nhiều cơ hội. Còn nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng lại cho rằng, thời điểm triển khai 5G phù hợp cũng là vấn đề cần tính đến, nếu chúng ta triển khai 5G muộn sẽ biến cơ hội thành thách thức, sẽ đi sau, không đuổi kịp các nước, hạn chế phát triển kinh tế - xã hội. Nếu triển khai sớm quá, tốn kém lớn hạ tầng đầu tư của doanh nghiệp.

Như vậy, có thể thấy, việc làm chủ thiết bị 5G như Viettel, Vingroup, VNPT... có ý nghĩa chiến lược quốc gia và Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới có thể sản xuất thiết bị 5G. Hạ tầng viễn thông đang có sự chuyển dịch quan trọng từ hạ tầng tần số làm nền tảng nền kinh tế, trở thành hạ tầng nền tảng quốc gia quan trọng. Triển khai 5G tại Việt Nam đang thuận lợi khi các doanh nghiệp điện tử viễn thông Việt Nam đã chủ động sản xuất nhiều thiết bị thông tin, hạ tầng viễn thông, trong khi trước đây chúng ta phải đi mua, phụ thuộc vào các nhà sản xuất thiết bị nước ngoài về tần số. Đây là một bước tiến quan trọng để vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa đảm bảo tốt về an ninh - quốc phòng.

 

 

Post a Comment

0 Comments