Việt Nam góp phần nâng cao vị thế ASEAN và đảm bảo an ninh khu vực


Việt Nam đã thể hiện là quốc gia tích cực, có trách nhiệm, đóng góp các sáng kiến, giải pháp thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN.

Tối 15/11 theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33 và các hội nghị cấp cao liên quan.



Đây được đánh giá là một trong những kỳ hội nghị thành công nhất của ASEAN với 63 văn kiện được thông qua. Trong đó, điểm nhấn quan trọng là các nước ASEAN, Trung Quốc và nhiều đối tác đều nhất trí việc sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC. Việt Nam đã thể hiện là quốc gia tích cực, có trách nhiệm, đóng góp các sáng kiến, giải pháp thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN, nâng cao vị thế của ASEAN trong khu vực và thế giới. 
Hội nghị Cấp cao ASEAN 33 và các hội nghị liên quan với các đối tác lớn gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Ấn Độ, Australia là sự kiện lớn nhất trong năm của ASEAN.

Tham dự các hoạt động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại 18 hội nghị, phiên họp; có nhiều cuộc tiếp xúc song phương với Phó Tổng thống Hoa Kỳ, Tổng thống Chile, Hàn Quốc, Thủ tướng Australia, Canada, Malaysia, Quốc vương Brunei; tiếp lãnh đạo Tập đoàn Sembcorp, tập đoàn là chủ đầu tư của 9 Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) tại Việt Nam; cắt băng khai trương Tuần lễ hàng Việt Nam, sự kiện duy nhất chỉ Việt Nam triển khai vào dịp này để quảng bá hàng hóa của Việt Nam.
Hội nghị Cấp cao ASEAN 33 và các hội nghị có liên quan kết thúc với 63 văn kiện quan trọng được thông qua. Điểm lại những nội dung chính của các hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN, cho biết, ngoài việc kiểm điểm các việc đã làm được trong năm, các nhà lãnh đạo tập trung thảo luận về những vấn đề phát triển và an ninh của khối, trong đó tập trung nhiều vào chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang tăng lên; sự căng thẳng thương mại giữa một số nước tác động đến khu vực và toàn  cầu. Về vấn đề an ninh, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh đến chống khủng bố, an ninh mạng, phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, vấn đề biển Đông, vấn đề người di cư ở ban Rakhine của Myanmar...  
Một số văn kiện quan trọng được thông qua tại kỳ hội nghị là Tuyên bố chung về đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Tuyên bố 45 năm kỷ niệm Quan hệ Hữu nghị và Hợp tác ASEAN-Nhật Bản; thông qua Tầm nhìn Đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc 2030, Tuyên bố chung ASEAN-Trung Quốc về Khoa học công nghệ và sáng tạo; thông qua Tuyên bố chung ASEAN-Nga về Đối tác chiến lược, Tuyên bố ASEAN-Nga về Hợp tác trong lĩnh vực An ninh sử dụng Công nghệ thông tin và liên lạc, Bản ghi nhớ giữa ASEAN và Uỷ ban Kinh tế Á-Âu (EEC); thông qua Tuyên bố các Lãnh đạo ASEAN+3 về hợp tác chống kháng thuốc kháng sinh vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân...
Trong các bài phát biểu tại các hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tự cường và sáng tạo ASEAN cần tiếp tục được đẩy mạnh; đồng thời nhấn mạnh, đoàn kết, thống nhất ASEAN phải tiếp tục là nhân tố then chốt trong tư tưởng và hành động, vì một Cộng đồng ASEAN vững vàng, tự cường và liên kết chặt chẽ. ASEAN cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác và đối thoại xây dựng lòng tin, đề cao luật pháp quốc tế và ủng hộ một hệ thống quốc tế đa phương dựa trên luật lệ; tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực đổi mới sáng tạo để tận dụng tối đa cơ hội từ cách mạng 4.0. 
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đã chia sẻ các sáng kiến của Việt Nam về kết nối nền tảng dữ liệu số, hài hòa giá cước di động, lập Đại học công nghệ ASEAN và xây dựng mạng lưới thông tin cảnh báo sớm thiên tai ở khu vực. Hay tại HNCC ASEAN+3, Thủ tướng nêu sáng kiến xây dựng Cơ chế cảnh báo rủi ro kinh tế vĩ mô khu vực, nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó của các nền kinh tế.

Một thành công mang tính điểm nhấn của kỳ hội nghị lần này chính là việc các nước ASEAN và Trung Quốc đã thống nhất sớm đạt được COC hiệu quả và thực chất.
Không chỉ tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc mà các hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều nhấn mạnh đến vấn đề biển Đông. Thủ tướng chia sẻ tình hình trên thực địa còn diễn biến phức tạp, gây quan ngại cho tất cả các bên và có thể tác động không có lợi cho ổn định ở khu vực. Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh, ASEAN và Trung Quốc cần tiếp tục đề cao các nguyên tắc đã nhất trí về thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, tôn trọng luật pháp quốc tế, xây dựng và tuân thủ các chuẩn mực ứng xử chung, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, không quân sự hóa, không có hành động làm phức tạp tình hình, triển khai đầy đủ Tuyên bố DOC và xây dựng một Bộ quy tắc COC hiệu quả và thực chất.
Những thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục thúc đẩy sự đồng thuận của ASEAN và các đối tác trong vấn đề này. Các nước ASEAN và đối tác đều nhất trí ASEAN cần tiếp tục hợp tác và xây dựng lòng tin, trong đó có đàm phán COC hiệu quả và thực chất, giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), song song với việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)

Post a Comment

0 Comments