Tự hào về tiếng nói, sắc màu văn hóa Việt giữa trời Âu

Sự thành công của Ngày Văn hóa Việt tổ chức lần đầu tiên tại trường của các con tôi đã tạo đà tiếp nối cho ngày văn hóa Việt của những năm sau và trở thành hoạt động thường xuyên nhằm giới thiệu quảng bá văn hóa Việt tới bạn bè, đồng thời giúp các thế hệ người Việt tự tin, tự hào về văn hóa của mình.
    • Các em học sinh biểu diễn văn nghệ

    Mùa Xuân mới đang đến trên quê hương Việt Nam thân yêu. Một năm cũ sắp qua đi, năm mới với nhiều điều hứa hẹn cho sự phát triển của quê hương đang đến dần. Tôi cảm thấy rất vui khi được chứng kiến sự đổi thay đó mỗi dịp trở về.
    Qua nhịp bước của thời gian, tôi rất hạnh phúc khi được chứng kiến sự trưởng thành của thế hệ học trò người Việt lớn lên tại Hungary. Chứng kiến từng bước sự trưởng thành của các em qua việc đọc và viết tiếng Việt, đến hiểu văn hóa dân tộc, tôi càng thêm yêu quý các học trò của mình và tin tưởng hơn vào những việc mình đang làm. Từ cảm giác ngượng ngùng không muốn các bạn biết mình là người Việt, biết nói tiếng Việt, các em đã cảm thấy tự hào, tự tin nói tiếng mẹ đẻ và giới thiệu văn hóa cha ông, tổ tiên mình với các bạn cùng trang lứa. Tôi muốn kể câu chuyện về chính các con tôi- những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên tại Hungary - là một minh chứng như vậy.
    Cách đây khoảng gần 5 năm, hôm ấy tôi đưa con vào học sớm hơn mọi lần vì tôi có hẹn gặp cô giáo của con tôi là cô Toth Judit. Cô ấy muốn tổ chức một ngày Văn hóa Việt Nam cho học sinh và muốn nhờ tôi giúp giới thiệu về âm nhạc Việt Nam, bởi cô biết tôi từng học về âm nhạc và tham gia cả công tác giảng dạy. Tôi rất thích sáng kiến này và nghĩ là có thể làm được gì, tôi sẽ hết lòng giúp cô. Vừa gặp nhau chúng tôi đã thân mật với nhau ngay vì như cô Judit nói, chúng tôi cùng làm nghề giáo nên là đồng nghiệp với nhau. Sau một hồi nói chuyện, chúng tôi cùng đi đến thống nhất trước một vấn đề chung cần giải quyết. Như bất cứ đứa trẻ nào, các cháu Việt Nam khi đến trường đều muốn hòa hợp vào tập thể trường lớp mình đang sống, không muốn mình khác với các bạn xung quanh. Các cháu muốn chứng minh từ những điều đơn giản như biết ăn mặc theo mốt giống các bạn, biết chơi, biết học, đến biết sống, suy nghĩ như các bạn. Ý muốn hòa hợp đó là hiển nhiên, đa phần các cháu không tự hào là mình biết tiếng Việt, biết cầm đũa, hay không muốn khoe chiếc áo dài truyền thống mẹ sắm cho vì nghĩ là nó… “không giống ai!”. Các con tôi cũng như vậy. Với trách nhiệm làm thầy, chúng tôi nghĩ mình cần phải khơi gợi cho các cháu nhìn thấy sự khác biệt của mình trong một lớp học 30 bạn không phải là cái gì “khác người”, mà vì các cháu chưa biết sau lưng mình là cả một dân tộc hơn 90 triệu người nói tiếng Việt, là cả một cội nguồn văn hóa đã sinh ra mình mà 30 người bạn trong lớp mình không có được và có thể chưa biết đến.
    Tôi rất mừng với công việc được giao, vì để nuôi dạy con cái, đôi khi ảnh hưởng của bố mẹ trong gia đình chưa đủ, mà cần rất nhiều đến trường lớp, thầy cô, xã hội, nhất là khi dạy về một cái gì đó trừu tượng hơn như tinh thần dân tộc, lòng yêu nước...
    Có gần một tháng để chuẩn bị, Ngày Văn hóa Việt Nam đã không còn là ngày vui chỉ của các cháu Việt Nam học trong Trường Tiểu học và Trung học Thực nghiệm Radnóti Miklós (Budapest). Tất cả phụ huynh Việt Nam trong trường và cả những người bạn không học trong trường Radnoti nghe nói đến Ngày Văn hóa Việt Nam sẽ được diễn ra đều nhiệt tình muốn đóng góp. Tôi và cả Ban tổ chức của trường đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, vì với dự định ban đầu là gói gọn trong một tiết học nhỏ giới thiệu về văn hóa Việt Nam với dự kiến khoảng 20-30 cháu sẽ tham gia, giờ mọi việc đã thay đổi với tốc độ chóng mặt. Kết quả cuối cùng là Ngày Văn hóa Việt Nam tại trường con trai tôi học đã diễn ra liền trong hai ngày. Ngày đầu tiên là triển lãm tranh Việt Nam trong hội trường, ngày thứ hai là các hoạt động văn hóa từ sáng đến chiều, thu hút sự tham gia của hầu hết học sinh trong trường và trong buổi văn nghệ kết thúc ngày văn hóa đã có hơn 300 khán giả đến xem. Cùng với sự giúp đỡ của rất nhiều bậc phụ huynh và học sinh, chúng tôi đã dàn dựng một chương trình văn nghệ khá công phu. Buổi văn nghệ hôm ấy đã để lại một ấn tượng sâu sắc đối với tôi, đó không chỉ là một buổi văn nghệ đơn thuần như những lần tôi xem các con mình trình diễn vào những ngày lễ các bà mẹ hay lễ thiếu nhi nữa... Đối với tôi, 60 phút những gì diễn ra trên sân khấu hôm ấy như những thước phim của hiện tại và quá khứ về tuổi thơ của thế hệ chúng tôi ngày xưa và của các con tôi hôm nay ...
    Trên sân khấu, con trai tôi và các bạn đang dõng dạc giới thiệu về quê hương Việt Nam. Tôi thật sự cảm động khi chứng kiến sự tự tin của các cháu, cảm nhận được lòng tự hào trong từng câu nói của các cháu khi đọc thơ, kể về nét đẹp, tính độc đáo của tiếng Việt - tiếng mẹ đẻ của mình…
    Ngoài ra, các tiết mục trình diễn áo dài với sắc màu văn hóa dân tộc, những bài hát dân ca, điệu múa dân gian được biểu diễn tự tin bởi chính các cháu - những người mang trong mình dòng máu Lạc Hồng. Tiếng vỗ tay cổ vũ của khán giả như sự ủng hộ tâm huyết, đồng cảm cùng các cháu.
    Tôi và các con tôi cảm ơn đất nước Hungary như một người mẹ đã mở lòng đón nhận chúng tôi. Các thầy cô giáo Hungary đã một thời đào tạo chúng tôi và hôm nay dạy dỗ con cái chúng tôi, đã  thắp sáng cho con tôi những giá trị làm người, giá trị của tình yêu thương mà cao quý nhất là tình yêu quê hương đất nước để thế hệ chúng tôi và các con tôi - những người Việt sinh sống tại Hungary - luôn có thể tự hào về tiếng nói, sắc màu văn hóa dân tộc mình.
    Ai cũng có một quê hương, cũng như ai cũng có một người mẹ. Thế nhưng con tôi và các bạn trẻ sinh ra lớn lên tại trời Âu này thật may mắn có đến hai quê hương, hai người mẹ yêu thương dạy dỗ! Tôi nghĩ người Việt chúng tôi bao giờ cũng coi trọng sự hiếu thảo, khi lớn lên rồi con tôi cũng sẽ biết mình sẽ báo hiếu lại với hai bà mẹ ấy như thế nào vì trong tim ai cũng có quê hương để yêu thương: Sokféleképpen lehet szeretni a hazát, de a hazát nem szeretni, nem lehet - Có nhiều cách để yêu quê hương, nhưng không yêu quê hương là điều không thể!

    Post a Comment

    0 Comments