Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Mỹ lâu gấp rưỡi thời gian dự kiến

Chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một chuyến thăm lịch sử, một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước - Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân trả lời báo chí sau chuyến thăm. Ông tiết lộ, cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất hai bên dự kiến từ 40 - 60 phút, thực tế đã kéo dài 90 phút. Lao Động trích giới thiệu các ý kiến trả lời của ông Hoàng Bình Quân.

    Ý nghĩa lịch sử
    Thứ nhất, là chuyến thăm lịch sử vì nhận lời mời của Chính quyền Tổng thống Barack Obama, lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, một chức danh tương đương không có trong hệ thống quản trị của Hoa Kỳ, thăm chính thức Hoa Kỳ - một quốc gia vốn là cựu thù, có hệ thống chính trị khác biệt. Tổng thống Obama, lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội Hoa Kỳ đã đón Tổng Bí thư với nghi thức rất cao, rất trọng thị, với một chương trình làm việc rất phong phú và thực chất.

    Thứ hai, chuyến thăm lịch sử vì nó diễn ra vào đúng dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Chính vì vậy, chuyến thăm là dịp để hai bên đánh giá quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ 20 năm qua, xác định tầm nhìn, định hướng phát triển quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới. Văn kiện quan trọng của chuyến thăm là Tuyên bố về tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ, cũng như nội dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Obama và trao đổi với các lãnh đạo khác của Hoa Kỳ thể hiện rất rõ điểm nhấn quan trọng này.

    Thứ ba, chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử vì đã có một cuộc hội đàm lịch sử. Hai nhà Lãnh đạo cao nhất, của hai nước đã từng đối đầu và hiện có chế độ chính trị khác nhau, đã gặp gỡ, trao đổi với nhau và họp báo ngay tại Phòng Bầu dục của Nhà trắng.

    Cuộc hội đàm ban đầu dự kiến trong khoảng thời gian 45-60 phút, thực tế đã diễn ra đến 95 phút. Đặc biệt nữa là thành phần tham dự hội đàm của phía Hoa Kỳ rất cao. Ngoài Tổng thống Obama, còn có Phó Tổng thống Joe Biden, Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice, Bộ trưởng Tài chính Jack Lew và Đại diện Thương mại Micheal Froman - điều đặc biệt chưa có tiền lệ.

    Chuyến thăm nói lên rằng hai quốc gia có chế độ chính trị khác nhau vẫn có thể vượt qua khác biệt, hiểu biết và chấp nhận nhau, hợp tác với nhau vì lợi ích chung.
    Ngoài ra chuyến thăm còn có ý nghĩa quốc tế do tầm quan trọng của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đối với khu vực, quốc tế, và việc Tổng Bí thư gặp và trao đổi với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon.
    Lòng tin và tầm nhìn
    Tổng Bí thư đã có 23 hoạt động rất phong phú, thực chất. Nhìn tổng thể, chuyến thăm có dấu ấn đậm nét, với kết quả rất toàn diện, thực chất. Về chính trị, chuyến thăm góp phần tăng cường lòng tin chính trị, qua đó thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Hai bên đã cùng đánh giá quan hệ song phương sau 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và xác định tầm nhìn quan hệ cho thời gian tới; bàn thảo về việc thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, mở rộng hợp tác về khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, y tế, biến đổi khí hậu, nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện, làm cơ sở đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới.

    Trong thời gian chuyến thăm, hai bên đã ký kết 14 văn kiện, thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực, trong đó có những văn bản quan trọng liên quan đến hàng không, thuế, ngân hàng, dầu khí, thể hiện thông điệp mạnh mẽ về tương lai quan hệ thương mại giữa hai nước.

    Qua chuyến thăm, hai bên đã trao đổi và chia sẻ quan điểm, nhận thức về các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, nhằm tăng cường hợp tác, đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

    Chúng ta hoan nghênh các nước, trong đó có Hoa Kỳ, đóng vai trò tích cực và có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thúc đẩy hợp tác phát triển ở khu vực.

    Chuyến thăm góp phần quan trọng triển khai chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Cuộc gặp gỡ rất cảm động, ấm tình quê hương giữa Tổng Bí thư với bà con kiều bào là một thông điệp mạnh mẽ về chính sách đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
    Những trao đổi gần gũi, sự quan tâm, lắng nghe của Tổng Bí thư đối với các tâm tư, nguyện vọng bà con đã xóa mờ khoảng cách địa lý của những người con sống xa quê hương với Tổ quốc; động viên bà con yên tâm làm ăn, sinh sống ở sở tại, luôn hướng về quê nhà, đoàn kết, chung tay với đồng bào trong nước cùng xây dựng đất nước giàu mạnh, ấm no, hạnh phúc; góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của đất nước; và là cầu nối hiệu quả cho sự phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ.
    Dư địa tăng cường hợp tác

    Qua chuyến thăm này chúng ta đã khẳng định một cách mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế rằng Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, chủ trương tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

    Quan hệ hai nước trong 20 năm qua đang trong xu hướng phát triển tích cực và chắc chắn chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ rất thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ là một dấu mốc lịch sử, mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai nước.

    Nhìn về tương lai, hai nước có động lực quan trọng để tăng cường quan hệ, đó là những lợi ích chung ở các bình diện song phương, khu vực và toàn cầu. Hai nước cũng có nhiều tiềm năng, nhiều dư địa để tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, nếu TPP được sớm ký kết, thì sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn nữa cho hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, người dân và doanh nghiệp của cả Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ đều được chia sẻ lợi ích từ hiệp định này.

    Post a Comment

    0 Comments