Những thoả thuận mang tầm chiến lược và cụ thể

40 năm sau Chiến tranh Việt Nam và 20 năm sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ vững bước tiến vào giai đoạn phát triển mới. Một trong những sự kiện lịch sử là chuyến thăm chính thức hoa kỳ của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 6-10/7.
Để đạt tới cấp độ này, 40 năm qua, hai nước đã vượt qua ba giai đoạn quan hệ. 20 năm sau chiến tranh là một chương nặng nề của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ với bao vây và cấm vận.
15 năm đầu sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao là một quá trình tiệm tiến. Thành tựu bao quát nổi bật là hai nước cựu thù đã “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Các quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, hợp tác khoa học công nghệ từng bước phát triển. Nhưng dù sao sự tiến triển cũng khá chậm so với tiềm năng và các biến đổi sâu rộng trong tình hình quốc tế và ở châu Á-Thái Bình Dương.
Năm năm vừa qua, sự phát triển của tình hình khu vực, việc Mỹ xoay trục sang châu Á và các cuộc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã tạo xung lực mới cho quan hệ hai nước, gia tăng những nội hàm chiến lược của các mối quan hệ ấy. Năm 2013, hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Tháng 10/2013, Hiệp định 123 về hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình được ký kết.
Các phát triển của tình hình Biển Đông nửa đầu năm 2014 có thể đã thay đổi đáng kể cách nhìn nhận của các giới ở Mỹ về Việt Nam; và mối quan tâm của dư luận Mỹ thể hiện qua việc lần đầu tiên cả hai Viện của Quốc hội Mỹ ra nghị quyết liên quan vấn đề Biển Đông. Đến tháng Mười, chính quyền Mỹ gỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Tháng Sáu năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước ký Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng.
Các lĩnh vực khác của quan hệ song phương cũng phát triển vượt bậc: Kim ngạch thương mại hai chiều trong 20 năm qua tăng gấp 130 lần. Trong năm 2013-2014 có gần 17.000 sinh viên Việt Nam học tại các đại học Hoa Kỳ, chiếm 35% tổng sinh viên từ ASEAN và bằng tổng số sinh viên từ Philippines, Thái Lan và Malaysia cộng lại.
Những tiến triển ấy đã thúc đẩy một sự kiện đột phá, mang tính biểu tượng cao, đó là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ. Người Mỹ thường chú trọng đến “thông điệp” của các chuyến thăm. Bản thân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã là một bức thông điệp quan trọng: Về phía Việt Nam – thể hiện tiếp tục thực hiện chủ trương đa dạng hóa quan hệ quốc tế, cân bằng chiến lược trong quan hệ với các nước lớn. Về phía Mỹ – quan hệ với Việt Nam đã không còn bị cản trở, câu thúc bởi sự khác biệt ý thức hệ, mà cùng hướng tới những lợi ích tự nhiên.
Tại chuyến thăm này, hai bên đã khẳng định tiếp tục triển khai quan hệ đối tác toàn diện sâu sắc, bền vững và thực chất trong nhiều lĩnh vực, từ kinh tế thương mại, chính trị, ngoại giao, giáo dục, khoa học công nghệ, đến an ninh quốc phòng. Việt Nam hoan nghênh Mỹ đóng vai trò tích cực giữ gìn sự ổn định ở khu vực, thúc đẩy việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. Hoa Kỳ “hoan nghênh tiến bộ của Việt Nam trong cải cách kinh tế, tái khẳng định tiếp tục ủng hộ và tăng cường hợp tác mang tính xây dựng với Việt Nam. Hoa Kỳ ghi nhận sự quan tâm của Việt Nam đạt được quy chế kinh tế thị trường”, như nêu trong Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam – Hoa Kỳ, ngày 7/7.
Đồng thời, hai bên thảo luận cởi mở và thẳng thắn về các vấn đề còn khác biệt, trong đó có vấn đề dân chủ nhân quyền, tự do tôn giáo. Bản Tuyên bố “ủng hộ việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và ủng hộ việc duy trì đối thoại tích cực, thẳng thắn và xây dựng về quyền con người nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thu hẹp khác biệt”.
Cuộc gặp gỡ thượng đỉnh Việt Nam - Hoa Kỳ lần này đã giúp kết thúc “hội chứng Việt Nam” ở Hoa Kỳ và “hội chứng Hoa Kỳ” ở Việt Nam. Hai nước cần chuyển hóa những “hội chứng” đó thành cơ hội. Với việc TPP hoàn tất đàm phán và sẽ được “hoàn tất sớm nhất có thể”, Việt Nam cùng mười nước thành viên khác sẽ là đối tác chiến lược về kinh tế thương mại của Hoa Kỳ. Bản Tuyên bố xác định hai bên quyết tâm “tiến hành những cải cách mà thấy có thể cần thiết nhằm đáp ứng tiêu chuẩn cao của Hiệp định TPP.
Bản Tuyên bố “bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin và đe dọa làm phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định… Hai nước nhấn mạnh sự cần thiết đề cao các quyền tự do hàng hải và hàng không được quốc tế công nhận”.
Những nội dung trong bản Tuyên bố ngày 7/7 thể hiện tầm nhìn chiến lược với cách tiếp cận toàn diện, thiết thực và cụ thể, thể hiện bằng tinh thần và những lời khẳng định quyết tâm của Việt Nam và Hoa Kỳ thúc đẩy tối đa lợi ích chung và sự hợp tác ở cấp độ song phương và đa phương, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.
Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng: “Điều đó là nhờ tầm nhìn chiến lược, nhờ sự nỗ lực, cố gắng của các nhà lãnh đạo hai nước, đồng thời cũng nhờ sự ủng hộ to lớn của nhân dân vì quan hệ của hai nước chúng ta phù hợp với lợi ích của nhân dân đồng thời cũng phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới hiện nay, đó là hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển và cùng nhau thịnh vượng”.
TS Nguyễn Ngọc Trường*Tác giả hiện là Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quốc tế

Post a Comment

0 Comments