Những chi tiết và hình ảnh thú vị trong chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Thời gian hội đàm với Tổng thống Mỹ lâu gấp rưỡi dự kiến, hàng chục cuộc gặp trong 5 ngày ở Mỹ, những cuộc trò chuyện thú vị với cựu Tổng thống Mỹ Clinton, Thượng nghị sĩ John McCain hay với kiều bào tại New York là những khoảnh khắc ấn tượng trong chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

    * Hai nhà lãnh đạo cao nhất, của hai nước đã từng đối đầu và hiện có chế độ chính trị khác nhau, đã gặp gỡ, trao đổi với nhau và họp báo ngay tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng.

     
    Cuộc hội đàm ban đầu dự kiến trong khoảng thời gian 45-60 phút, thực tế đã diễn ra đến 95 phút. Đặc biệt nữa là thành phần tham dự hội đàm của phía Hoa Kỳ rất cao. Ngoài Tổng thống Obama, còn có Phó Tổng thống Joe Biden, Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice, Bộ trưởng Tài chính Jack Lew và Đại diện Thương mại Micheal Froman - điều đặc biệt chưa có tiền lệ.

    * Trong 5 ngày ở thăm Hoa Kỳ, Tổng Bí thư đã có chương trình dày đặc với 23 hoạt động rất phong phú, thực chất.
    Trong thời gian chuyến thăm, hai bên đã ký kết 14 văn kiện, thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực, trong đó có những văn bản quan trọng liên quan đến hàng không, thuế, ngân hàng, dầu khí, thể hiện thông điệp mạnh mẽ về tương lai quan hệ thương mại giữa hai nước.
    * Lần đầu tiên trong lịch sử, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam có cuộc gặp gỡ với bà con kiều bào,lưu học sinh Việt Nam ngay trên đất Hoa Kỳ.
     
    Khoảng 200 kiều bào đã tham dự cuộc gặp mặt. Trong số họ có những người ở rất xa New York. Có người đến từ California, phía bờ Tây Hoa Kỳ, có người ở Toronto, Canada sang. Gặp nhau, những người con đất Việt đã cùng hòa chung bài hát “Nối vòng tay lớn” để đón chào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.
    Tiến sỹ Nguyễn Đài Trang, giảng viên khoa Quản trị kinh doanh tại trường Cao đẳng Centennial, Canada trân trọng tặng Tổng Bí thư cuốn sách "Hồ Chí Minh: Nhân văn và phát triển", với nhiều hình ảnh, tư liệu quý, thể hiện một cách nhìn, đánh giá, cảm nhận riêng của một trí thức Việt kiều về Bác Hồ kính yêu.
    Đoàn kết, hòa hợp dân tộc là xu thế tất yếu và là điều kiện cần thiết cho sự ổn định và phát triển đất nước – Tổng Bí thư nói. Nhắc lại điều đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn một bộ phận người Việt ở Hoa Kỳ còn có những định kiến, mặc cảm không nên đi ngược xu thế này; có nhận thức và việc làm đúng đắn để cùng cả dân tộc xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh.
    * Tổng Bí thư thăm nhà riêng của gia đình cựu Tổng thống Bill Clinton ở Kittle House, New York. Ông Clinton là người 20 năm trước đã làm nên lịch sử trong quan hệ khi vượt qua hội chứng chiến tranh Việt Nam còn nặng nề ở nước Mỹ lúc đó, tuyên bố bình thường hóa quan hệ, và sau đó là tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. 
     
    Trong cuộc gặp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chân thành cảm ơn tình cảm và những đóng góp quan trọng của cựu Tổng thống Clinton và Phu nhân đối với sự phát triển quan hệ mọi mặt giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong 20 năm qua; bày tỏ luôn coi ông, bà Clinton là những người bạn lớn của nhân dân Việt Nam. 
    * Tổng Bí thư tham quan phòng làm việc của Thượng nghị sĩ John McCain. Trước cuộc gặp chính thức tại phòng họp của Ủy ban Quân lực Thượng viện tại trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ John McCain đã mời nhà lãnh đạo thăm phòng làm việc của ông.
     
    Trong không khí rất thân mật và thoải mái, vị nghị sĩ – cựu chiến binh trong chiến tranh ở Việt Nam đã giới thiệu với Tổng Bí thư các bức ảnh và kỷ vật gia đình. Trong các kỷ vật này có bức ảnh chụp ngày 26.10.1967, chụp thiếu tá John McCain của hải quân Hoa Kỳ đang lóp ngóp dưới Hồ Trúc Bạch (Hà Nội) và được dân quân Việt Nam cứu lên bờ, sau khi chiếc máy bay của ông bị phòng không của quân đội Việt Nam bắn rơi trên bầu trời Hà Nội.
    * Tổng Bí thư gặp gỡ một số giáo sư của trường Đại học Harvard; dự lễ trao giấy phép xây dựng trường Đại học Fulbright tại Việt Nam.
    Dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã trao Giấy phép xây dựng trường Đại học Fulbright tại Việt Nam cho ông  Thomas Vallely - Chủ tịch Quỹ Tín thác sáng kiến Đại học ở Việt Nam.
     
    Các giáo sư của Đại học Harvard phân tích hiện nay Việt Nam cần có trường đại học xuất sắc có tính kết nối toàn cầu. Và việc thời gian tới đây tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng trường Đại học Fulbright Việt Nam được kỳ vọng là một trong những nhân tố nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam, có sự chia sẻ kinh nghiệm và hoạt động nghiên cứu của các trường đại học khác.
    Hiện nay đã có nhiều trường đại học nổi tiếng của Hoa Kỳ đã sẵn sàng hợp tác với đại học Fulbright Việt Nam để xây dựng chương trình và đào tạo giảng viên.
    Tổng Bí thư hoan nghênh chủ trương mở trường Đại học Fulbright  tại Thành phố Hồ Chí Minh vì nó đáp ứng những lĩnh vực ưu tiên cao của Việt Nam.

    Post a Comment

    0 Comments