Chuyến thăm của Tổng Bí thư khẳng định thực chất quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ

Trong cuộc trao đổi với Lao Động ngày 8.7, tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn (ảnh) - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao - nhận định, chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đến Hoa Kỳ khẳng định mối quan hệ hai nước không chỉ có tính biểu tượng, mà thực chất quan hệ trong 20 năm qua đã tạo điều kiện để hiện thực hóa chuyến thăm này.

    Ông có bình luận gì về việc Tổng Bí thư chủ động đề cập những khác biệt giữa hai nước từ trước và trong cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama?
    - Sự khác biệt giữa Việt Nam và Hoa Kỳ - không chỉ về thể chế chính trị mà cả cách tiếp cận các vấn đề khu vực và quốc tế, là một thực tế khách quan. Cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều không phủ nhận điều đó, nhưng việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ động nói về sự khác biệt cũng là thể hiện sự sẵn sàng xử lý những khác biệt đó, thể hiện mong muốn không để sự khác biệt ảnh hưởng đến quan hệ hai nước, như chính Tổng Bí thư đã nói, “chúng ta không thể tự thay đổi quá khứ, nhưng tương lai thì có thể tự quyết định”.
    Việc Tổng Bí thư thẳng thắn đề cập đến những khác biệt cũng chứng tỏ sự trưởng thành trong quan hệ. Trước đây sự khác biệt có thể ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao, nhưng sau 20 năm mối quan hệ của chúng ta đã trưởng thành nên không dễ bị ảnh hưởng bởi những điều đó.
    Trong hội đàm, hàng loạt vấn đề khác trong quan hệ song phương cũng được thảo luận, nổi bật là đàm phán TPP và hợp tác an ninh quốc phòng. Vậy đó có phải nền tảng để chúng ta làm cho quan hệ sâu sắc hơn?
    - Những phương diện như an ninh, quốc phòng, chính trị... đã được nhắc đến và đều cho thấy sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ suốt 20 năm qua. Sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có một số lĩnh vực mang tính lan tỏa, như hợp tác về an ninh quốc phòng, thể hiện lòng tin giữa hai quốc gia từng là “cựu thù” ngày càng tăng lên.
    Đặc biệt, Tổng Bí thư và Tổng thống Mỹ mong muốn sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bởi TPP tạo ra một sự thay đổi về chất trong quan hệ thương mại hai nước, đưa việc hợp tác song phương trở thành sâu sắc hơn.
    Việc hai bên chưa tuyên bố kết thúc đàm phán song phương TPP trong chuyến thăm này có gây thất vọng như một số bình luận không, thưa ông?
    - TPP là hiệp định thương mại quan trọng, do đó việc đàm phán không thể một sớm một chiều. Việc Tổng thống Obama được trao quyền đàm phán nhanh (TPA) sẽ tạo điều kiện để ông có quyền thúc đẩy đàm phán giữa Mỹ và các nước thành viên TPP khác. Bên cạnh đó, không phải chỉ Mỹ kết thúc đàm phán với Việt Nam, mà các thành viên khác cũng phải đồng thời hoàn thành thì TPP mới trở thành hiện thực. Theo tôi, đàm phán TPP đang diễn ra đúng lộ trình và hy vọng, đàm phán sẽ kết thúc sớm, có thể trong năm nay.
    Việc Tổng thống Obama nhận lời mời thăm Việt Nam sẽ ảnh hưởng thế nào đến quan hệ hai nước? Dư luận có hơi băn khoăn bởi đây là năm cuối trong nhiệm kỳ của ông Obama, liệu ông có kịp thực hiện chuyến thăm đó không?
    - Trước đây đã có hai tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam là Bill Clinton và George W.Bush. Các chuyến thăm trước, cùng với các chuyến thăm của các lãnh đạo Việt Nam, tạo ra nền tảng chính trị thúc đẩy hợp tác giữa hai nước.
    Với việc Tổng thống Obama nhận lời mời và nếu hiện thực hóa lời hứa đó sẽ thúc đẩy thêm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, đồng thời cho thấy có sự trao đổi thường xuyên giữa hai nước ở cấp cao nhất.
    Vấn đề chuyến thăm chỉ phụ thuộc vào sự sắp xếp các vấn đề nội bộ của Mỹ hoặc của cả hai bên như thế nào mà thôi.
    Tổng Bí thư đã thảo luận về Biển Đông và nói rằng Hoa Kỳ là một nhân tố cần thiết cho sự ổn định của khu vực. Ông nhìn nhận về phát biểu này như thế nào từ góc độ địa chính trị, quan hệ với các nước trong và ngoài khu vực?
    - Nên nhìn vấn đề này một cách rộng hơn. Rõ ràng nhân tố đem lại hòa bình ổn định trong khu vực, giúp xử lý vấn đề Biển Đông và các vấn đề khác ở Đông Nam Á không chỉ có Mỹ mà còn có các nhân tố khác như Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, ASEAN, Trung Quốc…
    Các cuộc thảo luận của Tổng Bí thư về những vấn đề an ninh chiến lược với các nước lớn là minh chứng cho chính sách đối ngoại cân bằng, độc lập, tự chủ mà chúng ta theo đuổi lâu nay. Chính sách đó giúp các quốc gia thấy được tầm quan trọng của Việt Nam, đồng thời đánh giá cao vai trò, vị trí của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
    Dư luận kỳ vọng vào việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ từ mức đối tác toàn diện hiện nay thành đối tác chiến lược. Khi nào thì quan hệ hai bên đạt tới mức đó?
    - Trong một mối quan hệ quốc tế, quan trọng nhất là thực chất quan hệ đó như thế nào. Hãy nhìn quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, nhìn quan hệ đang phát triển chất lượng, thực chất ở cả chiều rộng và chiều sâu thế nào, thì sẽ thấy, tuy tên gọi là quan hệ đối tác toàn diện nhưng chất lượng quan hệ còn sâu sắc hơn.
    Chuyến thăm của Tổng Bí thư, theo ông có ý nghĩa thế nào với tương lai quan hệ hai nước?
    - Bản thân chuyến thăm của Tổng Bí thư đã là một tiếng vang, một sự kiện mang tính lịch sử chưa từng có. Quan hệ thực chất giữa Việt Nam và Hoa Kỳ 20 năm qua đã tạo điều kiện để hiện thực hóa chuyến thăm. Nhìn nhận các tiềm năng hợp tác trong thời gian tới trên tất cả các lĩnh vực, hai nhà lãnh đạo của hai nước đã đồng thuận, tạo động lực thúc đẩy quan hệ song phương phát triển hơn nữa trong tương lai, đặc biệt là phát triển sâu hơn mối quan hệ đối tác toàn diện hiện nay.

    Post a Comment

    0 Comments